Đền thờ các Vị Thần Hy Lạp - Kiến trúc cột thần bí

Hy Lạp không chỉ đẹp bởi những phong cảnh thiên nhiên thơ mộng mà còn nổi tiếng với các vị thần trong truyền thuyết.Cũng bởi vậy mà những công trình kiến trúc thờ các vị thần ở Hy Lạp thực sự độc đáo.Khách du lịch tới với Hy Lạp đôi khi để thỏa sức tò mò với những kiến trúc đền thờ tại đây.Hãy cũng Blog KTS tìm hiểu những ngôi đền nổi tiếng với kiến trúc cột chủ đạo và tinh tế. 

Đền thờ thần Zeus


Đền thờ thần Zeus là một trong những ngôi đền khổng lồ, được xây dựng bắt đầu vào thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Dưới thời La Mã, đây là đền thờ lớn nhất của Hy Lạp, chứa đựng một trong những tượng lớn nhất thế giới thời đó. Ngôi đền nằm tại trung tâm thành phố Athens, dưới chân đồi Acropolis và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Đền thờ Zeus có tất cả 104 cột trụ cao bằng đá marble (cẩm thạch), mỗi cột cao khoảng 17 thước. Ngoài việc bị phá hủy do chiến tranh thì những trận động đất tại Athens cũng làm hư hại kiến trúc vĩ đại này, và hiện chỉ còn một vài cột trụ còn đứng vững.

Đền thờ của Poseidon tại Sounion


Poseidon là thần của Biển Cả. Ông là vị thần bảo hộ cho nhiều thành bang ở Hy Lạp thời cổ đại, mặc dù ông đã thua thần Athena trong cuộc tranh tài để bảo vệ thành bang Athens.

Ngôi đền thờ thần Poseidon nằm ở cực Nam của bán đảo Attica ở Hy Lạp, được bao quanh bởi ba mặt biển. Nó được xây dựng khoảng năm 440 trước Công nguyên, trên đống đổ nát của một ngôi đền có niên đại từ thời kỳ cổ xưa. Chỉ có một số cột đền thờ Poseidon còn sót lại tới ngày nay, nó có kiến trúc xây dựng tương đồng với đền thờ Hephaestus ở Acropolis.

Đền thờ thần Zeus ở Cyrene


Zeus là vị thần tối cao trong thần thoại Hy Lạp, có khả năng điều khiển mọi thứ trong giới tự nhiên, chi phối thiện ác dưới trần gian, thấy trước những biến đổi trong tương lai, và là vị thần ban thưởng chiến thắng và bảo vệ chính nghĩa. Sấm và chớp là hai loại vũ khí chủ yếu, cũng là hình ảnh tượng trưng cho thần tính của Zeus.

Cyrene là thuộc địa quan trọng nhất trong năm thuộc địa của Hy Lạp thuộc Libya ngày nay. Ở phần cao nhất của thành là đền thờ thần Zeus, có niên đại từ thế kỷ 5 trước Công nguyên. Nó đã bị phá hủy trong một cuộc nổi dậy của người Do thái vào năm 115 sau Công nguyên, và được phục hồi 5 năm sau đó bởi những người La Mã theo lệnh của Hoàng đế Hadrian. Ngôi đền này lớn hơn so với đền Parthenon, phản ánh sự giàu có và tầm quan trọng của Cyrene trong thế giới Hy Lạp cổ đại. Năm 365 sau Công nguyên, một trận động đất đã phá hủy ngôi đền.

Đền thờ thần Apollo Epicurius


Đền thờ Apollo Epicurius là một đền thờ Hy Lạp cổ đại ở Bassae và được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Tuy ngôi đền này nằm xa các thành phố quan trọng của Hy Lạp cổ đại, nhưng nó lại được nghiên cứu nhiều nhất vì những đặc điểm kiến trúc khác thường của nó. Ngôi đền này kỳ lạ ở chỗ nó là sự kết hợp của ba kiểu kiến trúc Hy Lạp cổ đại Doric, Ionic và Corint.

Apollo là thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp, thường được thể hiện dưới hình dạng một chàng trai tóc vàng, đeo cung bạc và mang đàn lia. Thần là con của thần Zeus và nữ thần Leto, là anh song sinh của nữ thần săn bắn Artemis. Apollo thường được biết đến với tài bắn tên xa muôn dặm. Apollo thường được đồng nhất với thần Mặt trời Helios.

Đền thờ của Hephaestus


Đền thờ của Hephaestus nằm cách trung tâm Athens 1 km, được xây dựng vào khoảng năm 449 trước Công nguyên. Đây là ngôi đền Hy Lạp cổ đại được bảo tồn tốt nhất trên thế giới, nhưng về thực tế lại ít được biết đến hơn người hàng xóm lừng lẫy của mình, Parthenon.

Ngôi đền được xây dựng bằng đá cẩm thạch từ núi Pentelus, theo lối kiến trúc Doris 6 cột phổ biến, sáu cột mặt chính, và mười ba cột ở hai bên (kể các cột góc hai lần). Cả cổng vào điện thờ và hậu sảnh được trang trí bằng phù điêu cột Lonic (thay vì kiểu kiến trúc điển hình Triglyphs Doris).

Đền Hephaestus xây dựng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên trong một khu vực có nhiều xưởng đúc và cửa hàng kim loại. Do đó nó đã được dành riêng cho Hephaestos, vị thần gia công kim loại.

Thần Hephaestus là con trai của thần Zeus và nữ thần Hera, người cai quản ngọn lửa, kim loại, các nghề thủ công và cả những ngọn núi lửa phun trào.

Đền Parthenon


Đền Parthenon thờ thần Athena, được xây dựng vào khoảng năm 446 trước Công nguyên ở Acropolis. Đây là công trình xây dựng nổi tiếng nhất còn lại của Hy Lạp cổ đại, và đã được ca ngợi như là thành tựu của kiến trúc Hy Lạp. Ngôi đền được thiết kế và chỉ huy xây dựng bởi hai kiến trúc sư kiệt xuất thời Cổ đại là Ichtinos và Callicrates và cho đến năm 438 trước Công nguyên mới hoàn thành.

Các điêu khắc trang trí của ngôi đền được làm từ đá cẩm thạch (marble) trắng, được coi như là đỉnh cao của nghệ thuật Ai Cập cổ đại. Đền Parthenon là biểu tượng của sự kết thúc Hy Lạp cổ đại và của nền dân chủ Athena, và được đánh giá như là một trong những công trình văn hóa vĩ đại nhất thế giới, thể hiện chính xác vẻ đẹp của kiến trúc Hy Lạp cổ điển. Mặc dù ngày nay, di tích đền Parthenon đã không còn nguyên vẹn nhưng nó vẫn là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hy Lạp.

Athena là vị thần của nghề thủ công mỹ nghệ, trí tuệ và đồng thời cũng là vị thần chiến tranh chính nghĩa. Athena là vị thần bảo hộ của thủ đô Athena của Hy Lạp.

Đền Paestum


Paestum là một thành phố Hy Lạp - La Mã cổ đại ở miền Nam Italy, không xa bãi biển, tự hào có ba ngôi đền Hy Lạp được bảo quản tốt. Ngôi đền cổ nhất ở Paestum là đền thờ Hera, được xây dựng khoảng năm 550 TCN bởi thực dân Hy Lạp. Các ngôi đền gần đó được xây dựng khoảng một thế kỷ sau đó và cũng được dành riêng cho Hera.

Hera là nữ thần của hôn nhân và con cái, thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó. Hera là vợ của thần Zeus và có toàn quyền thống trị của một vị nữ hoàng trên đỉnh Olympus.


Tổng hợp bởi Blog Kiến trúc sư

Share this:

ABOUT THE AUTHOR

Ceyron Louis

Blog Kiến Trúc Sư được viết bởi những người yêu kiến trúc,mong muốn chia sẻ những kiến thức,những công trình độc đáo,đồng thời giải đáp những kiến thức kiến trúc mà bạn còn chưa biết!Blog được sự hỗ trợ chuyên môn của Công ty cổ phần kiến trúc và đầu tư xây dựng Good Hope

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét